Tên gọi và nguồn gốc Tháp (Phật giáo)

Tháp đá Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp, kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII
Xem thêm: Stupa

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn thì "tháp" hay "pagoda", "tháp bà", "đâu bà", "du bà", "tụy đồ ba", "tụy đô bà", "phù đồ"... đều là những tên gọi phiên âm của "stupa" (tiếng Phạn: स्तूप). Ấy là những tòa kiến trúc cao, nhiều tầng, dưới lớn trên nhỏ, để thờ xá lị của chư Phật hoặc của các bậc thành đạo như Bồ-tát, Duyên-giác, A-la-hán; hoặc để táng di cốt của các bậc tôn túc từng hành đạo trong các ngôi chùa.[2]

Tháp cũng là nơi các đệ tử của Phật dựng kỷ niệm ở những địa điểm quan trọng trong cuộc đời đức Phật như: Tứ Động Tâm nơi mà Phật Đản Sinh, Thành Đạo, Chuyển Pháp, Nhập Niết Bàn. Về sau Tháp có thể an trí cả kinh điển bên trong hoặc là đối tượng để thờ cúng, thiền định, các bảo tháp loại này thường bằng đồng, gỗ, vàng, bạc, ngọc... nêu biểu các biểu tượng giáo lý của Phật giáo.[3]

Kiến trúc tháp đã trải qua một quá trình biến đổi khá dài, xuất phát từ Gandhara (Tây Bắc Ấn Độ), tháp nền hình tròn bằng phẳng được thay thế bằng một nền hình ống, chia thành nhiều đoạn. Phần bán cầu được kéo dài ra, nhưng so với nền ống thì nhỏ hơn trước. Phần nằm trên bán cầu cũng được kéo dài, chia thành nhiều tầng, biến thành hình nón. Khoảng năm 150 - 400, phần gốc hình ống lại biến thành hình vuông và trở nên phổ biến tại vùng Nam Á. Khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, ngôi tháp Phật giáo cũng biến đổi về dạng thức kiến trúc trở thành phong cách lầu các.[4]